ĐỌC “DẠO ĐÀN BÊN SÔNG” – THƠ VĂN CÔNG MỸ

Tập thơ “ Dạo đàn bên sông” là tiếng lòng của nhà thơ Văn Công Mỹ được viết ra từ những trải nghiệm buồn, vui trong cuộc sống, trong tình yêu, những hoài niệm về ký ức, những quan niệm về kiếp người. Chính vì vậy bước vào “Dạo đàn bên sông” với bốn câu thơ rất xuất thần của anh về cuộc đời này là một kiếp phù sinh:

“Sớm mai nổi hứng ra vườn
Đi cho hết cõi vô thường xem sao
Đi từ bước một chiêm bao
Thêm hai, ba, bốn…té vào trăm năm!”

 ( Chào buổi sáng)

Tôi đã bị mê hoặc bởi từ “hết” và từ “té” trong bốn câu thơ trên, mà như nhà văn Lê Hoài Lương đã cảm nhận về thơ của anh: “Ngộ từ cách nói nống lên …” khiến tôi phải đọc hết “ Dạo đàn bên sông” để cảm nhận về thơ Văn Công Mỹ, và ta đã gặp ngay tác giả trong “Hy vọng cuối” với sự thanh thản trong tâm hồn:

Ngồi bên sông liếc nước trôi
Thả năm lăm tuổi xuống đời lênh đênh
Ban mai thác, xế chiều ghềnh
May ra được trận gió hiền nửa khuya…

 

Từ những trải nghiệm, trăn trở về cuộc đời, về cõi ta bà ….để rồi trong những phút suy ngẫm, lắng lòng, anh viết thành lời thơ:

Tay quờ quạng nắm không gian
Không gian trống rỗng, đá vàng nơi đâu
Đá trong ngọc cũng u sầu
Vàng trong cát cũng hai màu lâm li.

 (Quờ quạng)

Hoặc:

Bữa nọ trần gian tôi đếm sao
Đếm hoài mệt nghĩ thấy chiêm bao
Thấy trời xuống thấp quơ tay hái
Chạm chốn trần gian muốn…té nhào

(Hái sao)

Ý thức sự tồn tại của kiếp người, trần gian là cõi tạm, đời người như một giấc chiêm bao, Văn Công Mỹ lại khác với Trang Chu, Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm, tỉnh dậy không biết là bướm mộng hóa Chu hay Chu mộng hóa bướm. Văn Công Mỹ khi mộng thấy hoa, thấy bướm và thấy tiên trên trời, nhưng khi tỉnh lại chỉ thấy mặt người và anh còn “hết hồn” vì có cả “Đười ươi” nữa, cái độc đáo của nhà thơ Văn Công Mỹ trong lối sử dụng từ là vậy đó:

Tôi thường mơ mộng bên hiên
Có hoa có bướm có tiên trên trời
Tỉnh ra chỉ thấy mặt người
Đôi khi có cả đười ươi, hết hồn

(Mơ mộng)

Được biết anh làm thơ từ thuở mười bảy tuổi, sau 40 năm, nghiệp thơ vẫn bám riết, đeo đuổi anh như tình yêu muôn thuở. Mưa và em thường là nguồn thi hứng cho những thi nhân, vì vậy ta lại bắt gặp anh dạo đàn rất cảm xúc bởi điệp ngữ “thèm” nghe như dồn dập nỗi niềm:

Gió về Q. hứng mưa đêm
Tự nhiên bỗng thấy mình thèm vu vơ
Thèm mê em, thèm mê thơ
Thèm dầm mưa đến dại khờ kiếp sau

( Mưa nơi xứ Q.)

Hay là một thứ tình yêu diệu kỳ đã hóa vào thơ anh :

Lời thơ tôi tệ như tôi
Có canh tân cũng rã rời vô duyên
Cũng may còn biết yêu em
Tôi đem ván mục đóng thuyền chở thơ

( Ngó lại mình)

Tôi , em và thơ như duyên trời đã định:

Không có anh đàn làm sao anh hát
Không em nhã nhạc làm sao anh ca
Cám ơn trời có đôi ta
Cám ơn em hóa đàn bà vì anh  

( Nói với phu nhân)

Em vẫn ẩn hiện thấp thoáng trong những vần thơ trữ tình của Văn Công Mỹ, dung dị trong từng con chữ:

Vẫn là em tự ngàn xưa
Áo tinh khôi níu gió đùa bước chân
Môi hồng biết níu thanh tân
Em độ lượng níu thanh xuân cho chồng 

(Vẫn là em)

Nhưng tôi vẫn thích nhất lời tỏ tình bộc bạch, khí khái của anh:

Cho dù tập tễnh làm thơ
Cũng xin liều mạng thập thò ghẹo em

Nếu tình đóng cửa cài then
Anh làm kẻ trộm bay lên hàng rào
Nếu tình sắc lẻm gươm đao
Anh làm bại tướng té nhào trước em
Nếu tình chất ngất oan khiên
Anh làm tu sĩ độc quyền cầu kinh….

( Tặng Th. Ngày mới lớn)

Không chỉ riêng cho người phụ nữ anh yêu, nhà thơ tuy không tha thiết, mượt mà như lời ru của Mẹ, nhưng anh cũng rất tinh tế, sâu sắc tặng cho các con của mình với những cảm xúc lo lắng, yêu thương đậm chất triết lý:

Sợi dây tơ hồng mong manh dễ đứt
Con hãy yêu và duy nhất hãy yêu
Long đong nắng sơm mưa chiều
Đoi khi khoai sượng chứa nhiều mật tươm

 ( Nói với con)

Đặc biệt đối với người Mẹ của mình, không bằng lời thơ mượt mà như nhiều nhà thơ khác nói về Mẹ, nhưng bằng một giọng điệu rất mới và chân tình, Văn Công Mỹ đã thổi hồn vào thơ bằng tính ẩn dụ, so sánh làm lay động người đọc khi nhớ về Mẹ:

Má như chiều vắng
Đêm như bão gào
Tội con bất hiếu
Nửa hồn thương đau

( Má và cơn bão)

Mỗi khoảnh khắc, mỗi sự việc xảy ra trong đời sống hàng ngày, bất luận buồn, vui, thương, nhớ…anh đều trăn trở, suy gẫm và viết thành thơ. Vì vậy, khi đứng trên đỉnh Bà na, anh đã chiêm nghiệm về sự thay đổi của cuộc đời, của thế sự:

Núi  khóc thành sương
Thác rơi thành lệ
Mây thành hoang đường
Tôi thành dâu bể.

*Vô Cùng
(Ở trên đỉnh Bà Nà)

Hay là một buổi sáng, ngồi nhìn lá rụng trong sân Quán café Gia Nguyễn – Qui nhơn,  anh lại liên tưởng ngay đến những bon chen giữa cuộc đời để rồi tiếp tục xuất thần những vần thơ đượm chất thiền:

Tranh danh hay đoạt lợi
Cũng thua một chữ “Thiền”
Thà anh làm chiếc lá
Rụng vào bàn tay em !

 (Lá)

Rồi một ngày trong “Quán nhỏ bên sông” anh đã ngộ  ra con người là hạt bụi trần gian:

Một buổi mai này thân nín thở
Cũng là hạt bụi hóa hư không

 

Và thương xót cho người em vừa nằm xuống với lời thơ da diết:

Rồi sẽ cùng nhau về hướng đó
Sao em giành sớm nửa bước chân
Thấy không, ở chốn nhân gian nọ
Còn những vành tang lắm bụi trần

( Viết cho em gái vừa nằm xuống)

Hoặc là anh “để cho “cái tâm” mẫn cảm sâu lắng vào trong để suy tư, chiêm nghiệm về những “sắc màu” của nhân thế trong dòng chảy vô thường…” ( Lời cảm nhận bài “Ngóng” của Trần Kim Quy trên Hương xưa):

Thay vì nằm nghỉ thảnh thơi
Tôi ngồi chiêm nghiệm những lời gió bay
Lòng hoang mang quá phút này
Ai gầy chiếu bạc, tôi gầy…tri âm !

 (Ngóng)

Ngoài những chiêm nghiệm về  nhân sinh, ta cũng bắt gặp Văn Công Mỹ với nỗi niềm đau đáu về tình yêu quê hương, hoài niệm về ký ức với thể thơ bốn chữ, như man mác một nỗi buồn:

Chiều qua góc phố
Cây cao cúi đầu
Hỏi thầm bóng đổ
Người xưa nay đâu?  

( Lần về lại Quy nhơn)

Hoặc  là thổn thức từ đáy lòng khi nhớ về quê hương mà anh đã gởi gắm nỗi niềm qua những vần thơ lục bát thật gợi cảm:

Hương xưa vắng tiếng nguyệt cầm
Tương tư tôi hát tình rằng xót xa
Viễn du mới thấm nhớ nhà
Lòng ca thổn thức bài ca quê nghèo

( Hoài hương)

 Nếu nói mượn thơ để bày tỏ lòng mình, thì ở đây Văn Công Mỹ còn mượn trăng để gieo cảm xúc. Trăng là vẻ đẹp vĩnh hằng, là nguồn cảm hứng của các nhà thơ, Đôi lúc, ta nhìn trăng để mà suy tư, để mà hoài niệm, Văn Công Mỹ trong một lần đêm trăng rằm tháng ba ở Phú Quốc, trong không gian bàng bạc của ánh trăng, anh đã sử dụng những động từ mỹ miều, đẹp đẽ để gieo thành những vần thơ trữ tình đầy cảm xúc với một chút hư ảo, bồng bềnh và đắm đuối:

Em níu ngày đến muộn
Anh nắm vội đêm buông
Đôi ta đùa với biển
Tiếng giỡn động muôn trùng

Trăng của thời năm cũ
Êm ái trườn qua tay
Em của rằm rạo rực
Đắm đuối bờ môi say

(Tắm trăng)

Không thể nói hết những trăn trở, nỗi niềm của Văn Công Mỹ, mà ta chỉ lắng nghe tiếng lòng của anh trong tập thơ “Dạo đàn bên sông” như để chia sẻ và đồng cảm cùng những tâm hồn đồng điệu để rồi trong một khoảng lặng nào đó, những cảm xúc chợt vỡ òa thành những vần thơ, giai điệu thơ cho đời, cho người và cho ta.

Quy Nhơn, Tháng 06 năm 2012

THÁNG BẢY – MƯA VÀ ANH

Cơn mưa ngâu tháng bảy
Rả rích buồn hắt hiu
Bước chân nào thật lạ
Vào đời ta một chiều

Phố vắng người qua lại
Ta ngóng đợi chân quen
Hồn đắm chìm nỗi nhớ
Mưa rồi, ta yêu nhau

Con đường nào ta qua
Dưới cơn mưa huyền thoại
Ta đâu phải ngần ngại
Một nụ hôn tình đầu

Mưa rơi hoài trong đêm
Mưa gieo thành nỗi nhớ
Ta yêu nhau một thuở
Tình nào trong đam mê

Tháng bảy Trời mưa ngâu
Cho Chức – Ngưu hội ngộ
Ta không cần Ô Thước
Vẫn trọn đời bên nhau

Mưa phong kín nỗi buồn
Tình vun thành hạnh phúc
Nỗi nhớ là  giai điệu
Mưa và anh trong thơ

Kỷ niệm ngày yêu nhau cũng là sinh nhật của NC (10/7)

HOÀI NIỆM

Mưa hạ về làm ta thêm nỗi nhớ
Nhớ sân trường nhớ áo trắng tinh khôi
Nhớ tháng năm rộn rã tiếng cười vui
Từng trang vở chưa phai màu mực cũ

Nhớ khoảnh khắc bước vào trường Cường Để
Chút âu lo, sợ sệt lẫn hồn nhiên
Một góc sân ta tìm chút bình yên
Tán phượng vĩ không che hồn ta kín

Nhớ buổi sáng nắng len vào lớp học
Phút đầu giờ chờ lớp trưởng điểm danh
Hồn lửng lơ theo làn gió mong manh
Mãi mê đọc  dòng thơ ai viết vội

Bên thính đường bâng khuâng ta đứng đợi
Anh vô tình không đến một chiều mưa
Lòng nôn nao nỗi nhớ viết thành thơ
Và khờ khạo ta vò nhầu tà áo

Từng kỷ niệm đã vun thành nỗi nhớ
Tiếng gọi nào còn đọng lại trong ta
Trên ghế đá nắng mỗi chiều nghiêng ngã
Hồn phiêu diêu lưu luyến tuổi học trò

Viết tặng các bạn cựu học sinh  lớp 10C
Trường Trung học Cường Để niên khóa 74-75

NỢ TÌNH

Nợ em tình cũ xa xăm
Nợ em ta nợ ngàn năm bạc đầu
Dù cho không gọi tên nhau
Nhưng trong nỗi nhớ tình sâu còn đầy

Nợ em nợ nụ hôn say
Nợ em ta nợ một ngày yêu nhau
Nợ em trong cõi tình đau
Nghìn thu cát bụi nợ câu hẹn thề

Nợ em tình nghĩa phu thê
Nợ em một thú say mê kiếp người
Nợ em trong cõi vô thường
Nợ đời hoang phế nợ tình vấn vương

Nợ em bàng bạc chiều sương
Gót hồng phiêu lãng lỡ vương chút tình
Nợ em trong cõi vô minh
Làm sao trả được nợ tình thiên thu

Viết lúc 21h ngày 10/02/2012

Cảm tác sau khi nghe tâm sự của anh Đường Anh Triết – cựu sinh viên Khoa học Sài Gòn trong những ngày tháng tham gia lực lượng TNXP sau 30/4/75

TRẦN DZẠ LỮ – THƠ VÀ TÌNH YÊU

“Có một lần nhớ quá
Ra sông đứng gọi tình
Tình xa người hóa lạ
Chiều mồ côi cánh chim”

Đó là những gì tôi biết về nhà thơ Trần Dzạ Lữ qua những giai điệu sâu lắng “Gọi tình bên sông” và những bài thơ trên trang Hương xưa, những vần điệu mộc mạc, trữ tình, sâu lắng và nồng nàn đến khó phôi pha:

“Khi anh đắm đuối hôn em
Dưới chân đất cũng rất mềm thiết tha
Nụ hôn tuyệt đối hôm qua
Trăm năm hồ dễ phôi pha tình nồng?”

   ( Trích Khi anh hôn em)

Mặc dù đời cơm áo, có lúc thăng trầm, cơ cực, những tiếng nói xé lòng về thân phận con người, nhưng nhà thơ vẫn lạc quan với kiếp phù sinh:

“Đời cứ trôi, em cứ vác nỗi buồn
Lặng lẽ đi, qua chợ đời phía trước
Mưa thì mưa, sá gì cơn bỉ cực
Thái lai nào rồi sẽ đến trong em”

( Trích trong Gởi Người em gái Qui nhơn)

Và anh đã ý thức được thế nào là nỗi đau:

“Nuốt vào trong. Nuốt vào trong
Nỗi đau ngày cũ đã chồng chất cao….”

( Trích trong Nuốt)

Có lẽ vì thế mà tình yêu trong thơ anh thường là  những khúc tình ngọt ngào, dung dị nhưng mãnh liệt vô cùng:

“Em không là nam châm
Sao hút anh đến thế?
Ngày và đêm bất kể
Cứ lao về phương em“

Hoặc là một nỗi nhớ không có không gian, thời gian:

“Nếu vắng nhau một ngày
Anh như cây rụng lá
Nếu vắng em một đời
Anh sẽ là tượng đá.”

                                                            ( Trích trong Điều kỳ diệu của tình yêu)

Cũng có lúc tình yêu trong thơ anh là tình yêu xa cách, giai điệu thơ nghe da diết, day dứt, trầm buồn, đầy khắc khoải:

”Đưa em về đêm nay nhiều gió
Ta đứng hôn nhau dưới trụ đèn vàng
Tình cứ nuối, cho sầu chín đỏ
Mai rối lòng như chiếc xe tang…”

Hoặc một chút chua xót, một chút ngọt ngào của cung bậc tình cảm

”Đưa em về không rượu nào quên
Thì ta nhớ. Thôi em đừng khóc!
Tình chưa bền làm sao giữ được
Ta lưng gù không cõng nỗi đời em…”

( Trích trong Đưa em về)

Thơ Trần Dzạ Lữ mang tính trữ tình, anh lại  là người gốc Huế, xứ sở nổi tiếng sông nước hữu tình, tâm hồn đa cảm, giọng nói, nhỏ nhẹ đầy quyến rũ:

”Bao nhiêu năm uống nước xa nguồn
Nhưng vẫn nhớ hoài mô-tê-răng- rứa
Vẫn thương mạ với câu hò nghiêng ngửa
Đêm Kim Long đứt ruột khúc Nam Bình.”

( Trích trong Giọng người thỏ thẻ)

Mà có ghét thì cũng là ngọt ngào, ấm áp, nữa trách móc, nữa yêu thương:

”Ghét anh ghê! Tại răng không nói
Lúc gần kề môi mắt bữa hôm tê
Tại anh nhát nên bàn chân bước vội
Nhưng con tim nghiêng ngã lúc anh về”

( Trích trong Ghét)

Hoặc là nhớ nhung trong khắc khoải:

”Sẽ không còn gì nữa
Khi mình chia lìa nhau
Nhưng có một thứ anh không bao giờ quên
Đó là nụ hôn đầu!”

   ( Trích trong Bài thơ viết lúc nửa đêm)

    Nhà thơ Trần Dzạ Lữ đã chọn cho mình một lẽ sống, tình yêu và thân phận con người, anh đã gởi gắm vào thơ như một nỗi niềm. Chiêm nghiệm thơ anh mới thấy đậm chất triết lý nhân sinh:

“Hãy mở cửa thanh thản
Cuộc đời có là bao
Nhắm mắt và mở mắt
Tóc kia đã phai màu”

Cuộc đời là vô thường, trong thời khắc hiện tại, chúng ta hãy nuôi dưỡng tình yêu ngày một lớn, hãy vì nhau trong từng giờ, từng phút để vượt qua những nhọc nhằn, khổ đau của cuộc đời :

“Cuộc sống hãy vì nhau
Mà chăm chồng em nhé
Cũng như anh chăm vợ
Càng chăm càng yêu sâu”

(Trích trong Chăm chồng)

    Một thông điệp đầy yêu thương mà anh muốn gởi gắm đến mọi người

Nhân cảm nhận về thơ của Anh, tôi xin tặng anh mấy vần thơ thay cho lời chúc sức khỏe, mong anh hạnh phúc thật trọn vẹn như những vần thơ, giai điệu thơ Trần Dzạ Lữ

Một hồn thơ
Một đời thơ
Anh cho đời những vần thơ trữ tình
Một sâu lắng
Một cuộc tình
Anh gieo nỗi nhớ một mình vào thơ

Viết lúc 23h20 ngày 10/11/2012

NHẠC TRỊNH VÀ BẠN TÔI

                 Sáng hôm đó, tôi và nó còn uống cà phê, tôi hỏi nó: “Bỏ đường thêm không?”, Nó buồn buồn nói “thôi”. Chúng tôi hớp từng chút một, hương vị của ly café sữa, đắng ngọt quyện vào nhau như hương vị của cuộc đời, của tình yêu trong cõi tạm mong manh, sương khói. Thường thì tôi và nó vào mỗi buổi sáng trước giờ làm việc, chúng tôi hẹn nhau đi làm sớm, ghé vào quán café cạnh cơ quan, tìm một góc ngồi nhìn ra đường, uống từng ngụm café, hớp từng ngụm nước trà để chiêm nghiệm về cuộc đời, về tình yêu….Cái thú nhất của chúng tôi khi uống café mà nghe nhạc Trịnh thì cảm xúc lại thăng hoa. Buồn, vui, khắc khoải, hạnh phúc, khổ đau… chúng tôi thường rủ đi nghe nhạc Trịnh để bớt chút phiền muộn, để hiểu nhau hơn, nhiều lúc chúng tôi nói với nhau: Hình như cuộc sống bọn mình như có trong nhạc Trịnh vậy.

                  Vậy mà đến bốn giờ chiều, bạn bè gọi điện thông báo nó chết. Cái chết của nó cũng  nghiệt lắm, nó chết vì căn bệnh trầm cảm . H. ơi, cuộc đời này tất cả là vô thường, vô thường  qua từng sát na, một chút nắng của buổi bình minh cũng  làm tan biến đi những giọt sương mong manh. Chỉ một cơn gió thoảng là chiếc lá lìa cành. Mới uống cà phê buổi sáng với tôi đây, nó còn lẩm nhẩm hát theo tiếng hát Khánh Ly
“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em.”
Vậy mà đến chiều lại nghe tin nó chết trong nỗi tuyệt vọng.

                   Vẫn biết đời này là quán trọ, là cõi tạm :
“Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn “

                     Nhưng đã ghé qua, ở tạm cõi nhân gian này rong chơi, để yêu thương, hạnh phúc, để khổ đau, bất hạnh….thì có gì mà phải ray rứt khi ta trút bỏ hết muộn phiền để quay về chốn cũ. Hôm qua đã qua, ngày mai chưa tới, sao ta không sống trọn vẹn, an nhiên tự tại  trong kiếp phù sinh này:

“Hãy cứ vui như mọi ngày
Dù chiều nay không ai qua đây
hỏi thăm tôi một lời
vẫn yên chờ đêm tới
Lòng ta trăm con hạc gầy vút bay”

              Để rồi dù hạnh phúc lẫn thương đau, ta cũng phải tạ ơn đời:

“Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người
Tạ ơn đời, ta ơn ai đă đưa em về chốn này”

Tôi và nó vẫn thích câu nói của Thiền sư Nhất Hạnh” Con người đau khổ là vì họ bị vướng kẹt trong các quan điểm, chúng ta tự do thì chúng ta sẽ không còn đau khổ nữa” và “ Một khoảnh khắc của hạnh phúc cũng có thể giúp ích mọi người”, vậy mà nó đã không hạnh phúc với căn bệnh trầm cảm. Bất giác tôi lại nhớ đến đêm hội ngộ Hương xưa cùng anh Văn công Mỹ, chị Nguyên Hạ tại quán cà phê Gia Nguyễn, anh Trần Kim Quy đã hát bản nhạc “Hạnh phúc” do anh sáng tác, tôi rất thích.

“Ta đi tìm hạnh phúc
Như tìm áng mây xa
Có ngờ đâu hạnh phúc
Là ngọt bùi trong ta

Ta đi tìm hạnh phúc
Nơi bờ bến mơ hồ
Có ngờ đâu hạnh phúc
Đến với ta từng giờ”

                           Sống thế nào để cuộc sống thật trọn vẹn, thật hạnh phúc trong đời này và Trịnh Công Sơn đã nói: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng….”. Thật là đúng lắm!
Tôi và nó cùng mê nhạc Trịnh, thường là đến kỷ niệm ngày mất Trịnh Công Sơn, chiều tối, chúng tôi không ăn cơm với gia đình mà hai đứa đến một nơi có tổ chức đêm nhạc Trịnh để thưởng thức, chiêm nghiệm và tìm cho mình một triết lý nhân sinh trong cuộc sống. Đêm nhạc Trịnh năm nay, tôi không có nó….  người bạn tri kỷ của tôi đã chấm dứt ở cõi này….

                    Thương nhớ Như Huệ, người bạn tri kỷ đã đi thật xa

VÔ ĐỀ

    TRÀ

Bồng bềnh và nổi trôi
Cũng  lắng chìm xuống đáy
Đắng chát rồi ngọt ngào
Uống vào ta mới thấy
Khác gì cuộc đời đâu…..

KHÓI THUỐC

Những gì không muốn nhớ
Em đều cố để quên
Chỉ có làn khói thuốc
Lãng đãng từ ngón tay
Đã ru em một thời
Qua cuộc tình lận đận
Đã đưa em vào đời
Bằng hạnh phúc yêu thương

Khói quyện vào nỗi nhớ
Anh quyện vào trong thơ…..

                                                   Qui nhơn, ngày 11 tháng 3 năm 2012

  Viết tặng Bửu Châu

NỖI NIỀM

” Nỗi niềm” là một cảm xúc bất chợt khi đọc tập thơ ” Nỗi niềm cùng nắng muộn” của anh Đỗ Kinh Thi, ấn hành tháng 05/2011. Ngôn từ trong  bài thơ này là tựa đề của 13 bài thơ trong tập ” Nỗi niềm cùng nắng muộn” của anh:

Nỗi niềm cùng nắng muộn;  Mơ cái hư không;  Cho một thời;  Chấp phận;  Gần – xa;  Gió  mây  chiều;  Lối cũ sao quên;  Vòng tay mẹ;  Bồi hồi;  Chút mưa thu; Luyến hạ;  Rượu chiều; Biết hỏi ai. Trong đó “Vòng tay mẹ” của Huy Thu“Luyến hạ” của Cao Đình Thục“Rượu chiều” của Phan Phước Hòa.

Với tôi, anh đã là “thơ”, đọc thơ anh không bị gò bó bởi ngôn từ, bởi vần điệu, rất tự nhiên,  nhiều bài thơ có giai điệu lạ như ” góc đời tháng năm”; đậm chất triết lý cuộc sống như” Điêu đứng” ( họa bài điêu đứng của Huy Thu); đầy thân phận như “Chấp phận”……nhưng đặc biệt tôi ngưỡng mộ về cái tài sáng tác của anh qua bài ” Mơ cái hư không”        ( thuận nghịch đọc).

Nhân đây, xin  cám ơn anh Đỗ Kinh Thi đã tặng vợ chồng em những tập thơ của anh, đó cũng là niềm khích lệ để em có thêm “cảm xúc sáng tác” và mở “ngôi nhà mới” này thay cho “căn nhà cũ” ở Yahoo! 360plus.

Cho em gởi lời cám ơn anh Huy Thu, anh Cao Đình Thục, anh Phan Phước Hòa đã có những bài thơ hay trong tập thơ ” Nỗi niềm cùng nắng muộn”.